Khái niệm nguồn gốc nguyên lý trường phái phong thủy

Phong thủy được áp dụng rất nhiều vào cuộc sống xây dựng bài trí nhà ở và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống mỗi người. Vậy phong thủy là gì, nguồn gốc, nguyên lý và các trường phái phong thủy được xây dựng như thế nào. Hãy xem chi tiết bài dưới đây.

Mục lục

Khái niệm phong thủy

“Phong thủy” là một khái niệm rất hấp dẫn mà các học giả nghiên cứu về thiên văn, địa lý, địa hình, dịch lý, ngũ hành, âm dương, tinh tú, nhân sinh… từ lâu đã quan tâm khảo cứu.

Khái niệm trường phái và nguyên lý phong thủy

La bàn phong thủy

Ở Trung Hoa hàng nghìn năm trước và sau Công nguyên họ đã định niệm rằng phong thủy là “lực khởi nguồn vạn vật” – “Thiên địa năng”.

Khoa phong thủy không có một định nghĩa cụ thể

Nó vừa giản đơn lại rất bí kiến. Nó giản đơn, vì cái nghĩa cụ thể là “gió” và “nước”. Nó là bí kiến vì cái nghĩa “phong là khí”. “Khí” là một khái niệm phong thủy, trừu tượng, ẩn hình. Nó giống khái niệm của Đông y như kinh lạc, thận khí, phế khí. Quan niệm khoa học thì “khí” ở đây là “nguồn năng lượng tự nhiên”.

Nhận biết được nó không phải là khái niệm phổ thông để bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được như ta cảm nhận được không khí qua các luồng gió, qua các phản ứng hóa học hay qua thực hành thí nghiệm. “Phong” trong “phong thủy” là “khí” bao hàm ý niệm tiềm ẩn, do các học giả khó kiến giải mà từ một thuật ngữ đưa ra và được công nhận võ đoán để ứng dụng nhằm biện giải về “thiên khí và địa khí”.

“Thủy” trong “phong thủy”

Đây là khái niệm về các hình thể mà trong đó tàng chứa nước – một thực thể thấy được, sờ mó được. Hình thể của “Thủy” là sông, ngòi, suối, khe, biển, hồ, ao, đầm, vũng, thác, dòng, vòi nước v.v… Các hình thể này tàng chứa những “Khí lực” ở các mức độ khác nhau, cấp độ khác nhau. “Thủy” ở hai trạng thái động và tĩnh. Động thì “Khí lực” được bộc lộ. Tĩnh là “Khí lực” tàng ẩn. Trạng thái “động” của thủy có sự ảnh hưởng mạnh hơn tĩnh. Hình tượng hóa sức mạnh của thủy được các nhà phong thủy gọi là “long” (Rồng). Một thứ “khí lực” được mang một khía cạnh khác là “thiên lực”. “Rồng” dưới quan niệm dịch lý là “Thiên”. Nó trừu tượng và lại được thực tế hóa!

Rồng tàng là rồng ẩn, nó lấy môi trường nước (thủy) để ẩn. Rồng động là lúc nó thể hiện sức mạnh. Và các nhà phong thủy đã lấy rồng để biểu lộ những ý nghĩa xâu xa của “Thủy”. Đó không phải là một khái niệm mà ai cũng cảm nhận được.

Dưới con mắt dân giả “Phong thủy” được hiểu dưới quan niệm

Môi trường, địa thế, phương hướng. Họ nhận biết giản đơn và thế là phong thủy trở nên dễ biết. Nhà phong thuỷ (địa lý) thì khác. Họ đi sâu vào những sức mạnh, tàng chứa và tính khoa học, mối quan hệ giữa tự nhiên với nhân sinh của phong thủy.

Phong thủy là một phạm trù hàm súc cả về ý nghĩa và ứng dụng

Phong thủy không phải chỉ được người Á châu nghiên cứu và ứng dụng. Từ ngàn năm trước Công nguyên các tộc người da đỏ, châu Mỹ, người Bắc Phi – Ai Cập, nói rộng hơn là nhiều nước ở Trung Cận Đông đã áp dụng những kiến thức (mà người Á châu gọi là “Phong thủy” một cách từ hóa) trong kiến trúc, trong xây dựng những công trình như cung điện, đền thờ thần linh v.v…

Người châu Âu (sau Công nguyên) cũng hiện thực hóa những nhận thức về “phạm trù phong thủy Á châu” qua các khái niệm kiến trúc như: Site (phong cảnh, địa hình); Location (địa điểm); Environment (môi trường) hay Orientation (phương hướng) trong thực tế. Các khái niệm này đã được dùng để bàn cãi trong các công việc kiến trúc (L’architecture) và xây dựng (La construction) v.v… các lâu đài, nhà thờ Catolique v.v…

Qua đó ta thấy phong thủy “không phải là một cái gì đó xa lạ với con người. Người dân ở các nước có điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội v.v… đều nghĩ đến và áp dụng các kiến thức phong thủy khi cần.

Ai cũng nhận biết rằng một địa điểm có phong thủy tốt đều là những nơi đẹp, tốt cho cuộc sống, cho hành nghiệp..

Các trường phái Phong Thủy

Nói đến phong thủy là nói đến khả năng diễn giải về môi trường sống. Những thầy phong thủy sử dụng một số phương pháp tiếp cận khác nhau để giao tiếp với năng lượng hoặc “cảm giác” của một nơi chốn, và thay đổi chi tiết để mang lại hiệu quả cho những người đang sống hoặc làm việc tại nơi ấy.

Cho dù sử dụng cách tiếp cận nào đi nữa nhưng một khi nắm được các nguyên lý của thuật phong thủy thì việc thực hành này mới có tác dụng. Những thầy phong thủy rất thường phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để tạo ra những hiệu quả như mong muốn.

Trường phái môi sinh

Người xưa chủ yếu sống dựa vào sự tinh anh và hiểu biết về điều kiện tự nhiên của nơi họ ở. Thời ấy, nhu cầu bản thân không nhiều, chỉ là những gì cơ bản: ăn và ở. Nhờ quan sát họ biết hướng nào gió thường thổi đến và sẽ dựng nhà ở thế đất được che chắn. Họ cần nước để trồng trọt và vận chuyển vụ thu hoạch nên sông ngòi rất quan trọng, và dòng chảy của các con sông cùng việc định hướng các bờ bãi sẽ quyết định loại hoa màu trồng trọt. Chi phái phong thủy này được gọi là trường phái Hình thể hay trường phái Địa hình, và là phương pháp tiếp cận cổ xưa nhất.

Trường phái la bàn

Thời Trung Quốc cổ, các thầy địa lý nghiên cứu địa hình và luồng nước trong khi các nhà thiên văn lập sơ đồ bầu trời. Những người hiểu được sức mạnh của thông tin mà họ đang nắm giữ thường ghi lại sở học của mình lên một dụng cụ gọi là la bàn, hoặc địa bàn. Trên la bàn không chỉ minh họa phương hướng mà còn xem xét cả năng lượng của mỗi phương vị căn cứ trên địa hình hoặc thiên thể tìm thấy ở hướng ấy. Việc diễn giải những năng lượng này sẽ cho biết đó có phải là nơi thích hợp cho con người hay không. Phong thủy dựa trên Kinh Dịch, một triết thư diễn dịch các nguồn năng lượng trong vũ trụ. Sáu mươi bốn hình trong Kinh Dịch minh họa chu kỳ của tự nhiên trong năm tạo nên vòng ngoài của la bàn. Là công trình chung của các học giả uyên bác trong nhiều thế kỷ, Kinh Dịch cung cấp cho chúng ta một phương tiện để liên kết dòng chảy năng lượng tự nhiên của vũ trụ. Yếu tố thời gian được bao hàm trong nó cho phép các cá nhân thực hiện việc liên kết này theo nhiều cách khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của họ.

Trường phái Trực giác

Các bản văn cổ thường minh họa đầy đủ mọi hình dáng núi non và luồng nước và đặt cho chúng những cái tên mang tính ẩn dụ, thể hiện cách suy nghĩ đặc trưng của người Trung Quốc xưa. Ví dụ như “Hổ phục” (cọp đang rình mồi) gợi ý về một thế đất xấu, là nơi mà những người cư trú ở đây sẽ không bao giờ cảm thấy an bình, trong khi đó “Long nhi vọng mẫu” (rồng con ngắm nhìn mẹ) lại cho thấy đây là một môi trường sống yên vui hơn nhiều.

Trong Thủy Long Kinh, người xưa trình bày chi tiết hơn về những thế đất tốt nhất để dựng nhà, mô tả phương vị dòng chảy trong các nhánh sông, với những tên gọi biểu thị loại môi trường sinh sống. Khả năng cảm nhận của người đang sống và làm việc tại thế đất ấy trở nên bén nhạy và kiến thức của họ về thế giới tự nhiên đã ban tặng cho họ bản năng tìm ra những vùng trồng trọt thích hợp.

Các nguyên lý phong thủy

Người xưa cho rằng trời, đất và con người thuộc về một hệ thống. Quan điểm cuộc sống là một thể thống nhất tồn tại trong nhiều nền văn hóa nơi mà sức khỏe và thuốc chữa bệnh, thức ăn và cách sống và con đường đưa đến sự giải thoát đều liên đới và nằm cả trong một hệ sinh thái.

Đạo

Đạo, hay Con Đường, là triết lý cơ bản của thuật phong thủy, chỉ ra cách sống hài hòa với bản thân, với tha nhân và với thế giới tự nhiên. Chúng ta có thể dùng phong thủy để đạt đến mục tiêu này.

Âm dương

Âm dương là hai lực đối nghịch nhau nhưng lại cùng nhau hoạt động để sinh ra năng lượng, ví dụ như dòng điện. Hai lực đối nhau này liên tục chuyển dịch, lực này luôn tìm cách lấn át lực kia. Khi một lực trở nên vượt trội, trạng thái cân bằng bị mất đi, vì thế khi một lực trở nên quá mạnh sức ảnh hưởng của nó lại giảm đi và lực kia lại chiếm ưu thế. Ví dụ, nước ở trạng thái tĩnh là âm, đang chảy xiết là dương. Hãy tưởng tượng một con sông đang chảy chậm rãi; lúc này nó âm. Khi dòng nước va vào đá, bắn tung tóe và rơi xuống, tình trạng xáo động diễn ra, dòng nước chảy nhanh hơn, lúc này nó đã chuyển sang dương.

Và khi nước chảy vào hồ, dòng chảy chậm lại và biến thành âm một lần nữa. Âm và Dương là hai khái niệm đối nghịch nhưng phụ thuộc vào nhau: nếu không có ý niệm về cái lạnh chúng ta sẽ không thể miêu tả cái nóng là như thế nào. Khi đạt đến trạng thái cực điểm, lực này biến đổi thành lực kia – giống như hiện tượng băng giá có thể gây bỏng hoặc người bị bỏng nắng bị run rẩy – mục đích là để tái tạo lại thế cân bằng giữa hai lực. Trong suốt cuốn sách này sẽ có nhiều ví dụ minh họa việc chúng ta làm thế nào để đạt được sự cân bằng trong môi trường sống của mình. Danh mục bên cạnh đưa ra một số ví dụ về các cặp âm dương thường thấy.

Khí

Khí là một khái niệm không có trong hệ thống triết học phương Tây nhưng lại được nhắc đến rất nhiều trong các hệ thống triết học phương Đông. Khí là sức sống của vạn vật, là phẩm chất của môi trường sống, là sức mạnh của mặt trời, mặt trăng và khí hậu và là động lực điều khiển trong con người. Ở Trung Quốc, những động tác múa quyền trong Thái Cực dưỡng sinh là để giúp khí lưu thông trong cơ thể. Các mũi kim châm huyệt được dùng để khai thông luồng khí bị tắc nghẽn và các bài thuốc Bắc bào chế từ các thảo mộc sử dụng các dạng năng lượng đặc biệt để điều khí khi cơ thể xảy ra tình trạng mất quân bình. Sự thiền định là phương cách làm cho tinh thần khỏe mạnh: một nét cọ của một nghệ nhân Trung Quốc hay một động tác phóng bút trong thư pháp đều là kết quả của một quá trình rèn luyện tinh thần và điều tức để bảo đảm mỗi tác phẩm phải đều tải được cái thần (khí) trong ấy.

Mục đích của thuật phong thủy là tạo ra một môi trường trong đó khí được luân lưu thông suốt để tinh thần được minh mẫn, cơ thể được tráng kiện. Trong một căn nhà mà khí lưu chuyển thanh thoát thì những người sinh sống ở đó sẽ nhận được những điều tốt lành và mọi điều trong cuộc sống sẽ được hạnh thông. Ngôi nhà nào khí lưu chuyển trì trệ hoặc bị tắc thì cuộc sống thường nhật hoặc những dự tính lâu dài cho tương lai của những người sống ở đó sẽ luôn gặp những điều trắc trở.

Trong một khu vườn thông thoáng, khí được lưu chảy tự do, cây cối sẽ tươi tốt và các sinh vật trong môi trường tự nhiên sẽ sinh sôi nảy nở. Muông thú, chim chóc, côn trùng và vô số các loài vi sinh sống ở đó sẽ tự điều hòa và tạo ra một môi trường cân bằng và có ích. Nơi nào khí không thể lưu thông một cách tự nhiên, bị tắc nghẽn, hoặc chuyển động uể oải thì môi trường ở đó có thể trở nên ẩm thấp, hoặc xảy ra tình trạng mất cân bằng sinh thái dẫn đến nạn dịch rầy chẳng hạn.

Trong một văn phòng khí được lưu thông thoải mái, nhân viên sẽ vui vẻ và tương thân tương ái, các kế hoạch được hoàn thành đúng thời hạn và mức độ stress thấp. Văn phòng nào khí bị tù hãm có thể sẽ xảy ra những mối bất hòa và công việc kinh doanh không thể phát triển.

Trên đây là khái niệm tổng quát về phong thủy, để hiễu rõ hơn các lĩnh vực là phong thủy nghiên cứu hãy đón đọc các bài viết mới nhất trên Tử vi vận số.

Đang tải...
Đóng quảng cáo ✕